Song không phải ở đâu, học sinh nào cũng được giảng dạy, bồi dưỡng về VHGT, dù đây là nội dung quan trọng, một trong những yếu tố quyết định để giảm tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông, xây dựng văn minh giao thông.

Đặc biệt, không ít bậc phụ huynh và cả thầy, cô giáo còn để các em học sinh chứng kiến những hành động chưa hay, chưa đẹp khi tham gia giao thông, như: Uống rượu bia vẫn lái xe; không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe gắn máy; không chấp hành tín hiệu đèn giao thông; thiếu sự nhường nhịn, giúp đỡ khi xảy ra va chạm...

Ngay tại các cổng trường, cảnh đưa đón học sinh rất lộn xộn, chen lấn. Điều này tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách trẻ em, gây nhiều khó khăn trong giáo dục VHGT cho thế hệ tương lai của đất nước.

Những năm qua, TNGT tại nước ta đã giảm cả ở 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương) nhưng vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra gần 5.700 vụ TNGT, cướp đi sinh mạng của 3.286 người và khiến 3.696 người bị thương. Cùng với đó, thiệt hại về kinh tế và hệ lụy cho xã hội khó thống kê được.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: TTXVN 

Phân tích của cơ quan chức năng cho thấy, có đến 95% số vụ TNGT xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện. Trong đó, đi không đúng phần đường, làn đường, vi phạm quy tắc tránh vượt, chuyển hướng chiếm hơn 30%; lấn trái đường gần 24%; thiếu chú ý quan sát, không bảo đảm khoảng cách an toàn hơn 29%; vi phạm về tốc độ 3,8%. TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn còn cao, nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; nguyên nhân ùn tắc chủ yếu do người tham gia giao thông không chấp hành đúng quy định, chưa nhường nhịn nhau...

Theo các chuyên gia, VHGT là nền móng vững chắc cho việc triển khai thành công hệ thống an toàn giao thông (ATGT). Xây dựng, phát triển VHGT là nội dung vừa bảo đảm yêu cầu trước mắt, vừa mang ý nghĩa lâu dài nhằm bảo đảm trật tự ATGT, giảm thiểu TNGT. Vì thế công tác giáo dục VHGT phải được coi trọng đúng mức, trong đó giáo dục cho thế hệ trẻ từ gia đình và trong nhà trường là yếu tố căn bản nhất.

Nếu có sự phối hợp giáo dục đồng bộ chắc chắn một ngày không xa, xã hội sẽ có một thế hệ công dân chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự ATGT và ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Đặc biệt, cha mẹ, thầy cô vừa phải là người giáo dục, định hướng, vừa là tấm gương soi chiếu hằng ngày của các em. Chăm lo cho các em, ngay bây giờ, chúng ta cần hành động gương mẫu, từ bỏ những thói quen xấu, bởi “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

TIẾN ĐẠT