Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022 tại Hà Nội: Vì quyền lợi của học sinh

Thống Nhất| 03/06/2021 06:05

(HNM) - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, ngày 2-6, đã ký Văn bản số 1711/UBND-KGVX đồng ý với đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về công tác tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022. Theo đó, để bảo đảm quyền lợi của học sinh trong điều kiện dịch Covid-19, thời gian tổ chức thi được điều chỉnh vào hai buổi sáng các ngày 12, 13-6-2021, thay vì 3 buổi vào các ngày 10 và 11-6-2021 như kế hoạch trước đây, đồng thời giảm thời gian làm bài thi các môn.

Nhân viên lau dọn vệ sinh phòng học chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2021-2022 tại điểm thi Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi (quận Ba Đình), ngày 2-6. Ảnh: Nguyễn Quang

Rà duyệt kỹ từng phần việc

Năm nay là năm thứ ba, thành phố Hà Nội áp dụng phương thức thi tuyển để tuyển học sinh vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập. Mỗi học sinh làm bốn bài thi, gồm: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ và lịch sử. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban Chỉ đạo thi và tuyển sinh thành phố Hà Nội năm học 2021-2022 đã tổ chức họp, rà duyệt kỹ từng phần việc với yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung chuẩn bị tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 bảo đảm an toàn cho học sinh và những người tham gia tổ chức.

Năm học 2021-2022, toàn thành phố có hơn 93.000 học sinh đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thành lập 184 điểm thi với các điều kiện bảo đảm an ninh, an toàn và phòng, chống dịch Covid-19; huy động khoảng 14.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ. 

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai Phạm Đàm Thục Hạnh, với hơn 3.000 học sinh đăng ký dự thi, quận đã thành lập 7 điểm thi. Mỗi điểm thi đều bố trí 1-2 phòng dự phòng, có nhân viên y tế ứng trực, sẵn sàng ứng phó với các tình huống phát sinh.

Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh, trên địa bàn huyện có 7 điểm thi với 125 phòng, hơn 3.100 thí sinh dự thi. Huyện thành lập 7 tổ y tế (mỗi tổ 5 người) ứng trực tại 7 điểm thi được trang bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư y tế, có phương án dự phòng ứng phó với dịch. 

Các thí sinh trao đổi sau khi làm bài thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 phổ thông công lập năm học 2020-2021 tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Trần Phú (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Viết Thành

Hỗ trợ ôn tập, ghi nhớ quy chế thi

Sắp đến ngày thi, ngoài việc động viên, hỗ trợ học sinh ôn tập tốt, các nhà trường còn chú trọng nhắc các em ghi nhớ quy chế thi và giữ gìn sức khỏe để dự thi đúng kế hoạch. 

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quảng An (quận Tây Hồ) Nguyễn Thị Kim Xuân cho biết, nhà trường yêu cầu tất cả học sinh không ra khỏi thành phố cho đến khi hoàn thành kỳ thi theo đúng chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo; duy trì nghiêm thông điệp “5K” (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế) của Bộ Y tế, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người ngoài gia đình.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở An Thượng (huyện Hoài Đức) Nguyễn Công Hà thông tin, năm nay học sinh được đăng ký 3 nguyện vọng vào trường công lập (mọi năm chỉ 2 nguyện vọng), nên tâm lý cũng thoải mái, nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, để tránh tâm lý lơ là, chủ quan, nhà trường luôn nhắc học sinh làm bài thi nghiêm túc, thực chất, không mang tài liệu, điện thoại vào phòng thi.

Em Nguyễn Tuấn Nam, học sinh Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (quận Ba Đình) cũng chia sẻ: “Theo hướng dẫn của nhà trường, em đang tập trung rà soát lại kiến thức trọng tâm và ghi nhớ quy chế thi để tránh bị phạm quy”. 

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại, để tạo điều kiện cho học sinh trong bối cảnh dịch Covid-19, UBND thành phố đã đồng ý với đề xuất của Sở về việc lùi thời gian tổ chức thi. Theo đó, sáng 12-6, học sinh thi ngữ văn, ngoại ngữ; sáng 13-6, thi môn toán, lịch sử. Lịch thi vào các lớp chuyên, trường chuyên bắt đầu từ ngày 14-6. Thời gian làm bài thi các môn cũng được điều chỉnh giảm. Trong đó, môn ngữ văn và toán có thời gian làm bài là 90 phút/môn (thay vì 120 phút/môn như kế hoạch); môn ngoại ngữ và lịch sử có thời gian làm bài là 45 phút/môn (thay vì 60 phút/môn).

“Chỉ còn ít ngày nữa là tới kỳ thi, học sinh cần tăng cường ôn tập, chú ý giữ gìn sức khỏe; tham khảo lộ trình di chuyển từ nhà tới điểm thi, tính toán thời gian hợp lý để có sự chủ động, tránh bị muộn giờ thi. Sở tiếp tục bám sát tình hình dịch Covid-19, sẵn sàng phương án dự phòng, trên tinh thần bảo đảm quyền lợi tối đa cho học sinh trong mọi tình huống”, ông Phạm Văn Đại khẳng định. 

Theo quy định tại Văn bản số 1711/UBND-KGVX của UBND thành phố Hà Nội, các thí sinh đăng ký dự thi được chia thành 3 nhóm: Nhóm 1 là thí sinh thuộc diện F0, F1; nhóm 2 là thí sinh thuộc diện F2 đang trong thời gian cách ly, diện lưu trú tại địa bàn bị cách ly, phong tỏa hoặc diện khác mà không được đến trường thi do ảnh hưởng của dịch Covid-19; nhóm 3 là các thí sinh còn lại, được phép đến trường thi. Thời gian để phân loại đối tượng thí sinh tính đến 17h ngày 11-6-2021.

Thí sinh thuộc nhóm 1 được tuyển thẳng vào trường công lập đã đăng ký dự tuyển (nguyện vọng 1, 2 và 3) phù hợp với nơi cư trú của thí sinh. Nguyện vọng trúng tuyển thẳng của thí sinh nhóm 1 được bổ sung ngoài chỉ tiêu đã được giao của trường. Thí sinh thuộc nhóm 2 sẽ áp dụng phương thức xét tuyển theo công thức: Điểm xét tuyển = Điểm trung học cơ sở + Điểm trung bình môn toán + Điểm trung bình môn ngữ văn + Điểm trung bình môn ngoại ngữ + Điểm trung bình môn lịch sử + Điểm ưu tiên. Trong đó, điểm trung học cơ sở là tổng số điểm tính theo kết quả cả 4 năm lớp 6, 7, 8, 9. Điểm trung bình môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lịch sử là điểm trung bình tương ứng các môn này trong năm học lớp 9.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022 tại Hà Nội: Vì quyền lợi của học sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.