Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nền tảng của văn hóa ứng xử trong xã hội

Quỳnh Dương| 03/04/2022 05:16

(HNMCT) - Ứng xử trong gia đình là hoạt động quan trọng góp phần thực hiện các chức năng của gia đình, đặc biệt là chức năng giáo dục. Chuẩn mực ứng xử được giáo dục trong gia đình có tác động sâu xa đến việc hình thành nhân cách con người, tạo tiền đề quan trọng để cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của đất nước trong quá trình phát triển.

Tình yêu là nền tảng cho một gia đình hạnh phúc.

Trong một bài viết được chia sẻ nhiều trong thời gian gần đây, cặp vợ chồng nổi tiếng người Mỹ Patrick và Ruth Schwenk, nhà sáng lập tổ chức For the family khẳng định: “Chính trong gia đình, chúng ta học cách quan tâm và yêu thương người khác. Đây là môi trường tự nhiên nhất để một đứa trẻ phát triển về tinh thần và tâm hồn. Gia đình cũng là trường học của tình yêu thương và là nơi con cái xây dựng nhân cách, trau dồi đạo đức và chuẩn mực ứng xử. Một gia đình hòa thuận và thành đạt thường được xây dựng trên nền tảng của giá trị đạo đức, tinh thần và có những đặc điểm chung".

Để giúp cung cấp một hệ quy chiếu với mong muốn nhân rộng các hình mẫu “tổ ấm” hạnh phúc, nhiều tổ chức trên thế giới đã đưa ra Bộ quy tắc ứng xử trong gia đình. Theo Hiệp hội các tổ chức phi chính phủ thế giới (WANGO), Bộ quy tắc do tổ chức này xây dựng dựa trên tiêu chí của nhiều đơn vị quốc tế đại diện cho nhiều tầng lớp xã hội từ mọi khu vực trên thế giới. WANGO hy vọng, dựa trên bộ quy tắc này, các gia đình sẽ thảo luận với các thành viên để sửa đổi và áp dụng cho phù hợp.

Một trong những yếu tố mà WANGO cho là nền tảng để tạo nên một gia đình hạnh phúc đó là tình yêu. Tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng giữa những người máu mủ, ruột rà, được thể hiện thông qua sự quan tâm lẫn nhau. Mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm của các thành viên trong gia đình đều phải được xem xét cẩn thận nhằm tránh mang đến sự tổn thương cho nhau. Điều này dựa vào các quy tắc về đạo đức, phát ngôn, lối sống và có tính đến hậu quả cho cả gia đình. Khi các cá nhân theo đuổi hành động vì sự ích kỷ của riêng mình mà không tính tới lợi ích chung, gia đình đó sẽ nhanh chóng tan vỡ.

Trên thực tế, mỗi gia đình là một tổ chức nhỏ. Để phát triển, mỗi thành viên đều phải nhận thức được và cố gắng hoàn thành tốt trách nhiệm và vai trò của mình. Ngoài ra, người trong một nhà cũng cần phải hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của nhau để thông cảm, hỗ trợ và bổ khuyết cho nhau thì mới có thể trở thành một tập thể đoàn kết, mạnh mẽ vượt qua khó khăn. Cuộc sống không thể tránh khỏi những lúc bất đồng. Vì thế, tha thứ và hòa giải cũng cần thiết trong hôn nhân và quan hệ giữa các thành viên của gia đình.

Chia sẻ về vấn đề này, Bill High, một diễn giả nổi tiếng của Mỹ cho biết: “Chúng ta vẫn thấy trong thế giới kinh doanh, các doanh nghiệp thường đưa ra tập hợp các giá trị mong muốn hướng tới trong môi trường làm việc, qua đó, hình thành quy tắc ứng xử chính thức ghi trong sổ tay nhân viên. Bộ quy tắc này cung cấp hướng dẫn cho nhân viên về cách họ nên tương tác với nhau và với khách hàng trong nhiều tình huống khác nhau. Nó định hình hành vi, thái độ và thực hành. Trong các gia đình cũng vậy. Những nguyên tắc ứng xử trong gia đình là quy định mà các thành viên trong gia đình cần tuân theo nhằm giúp gia đình hoạt động theo nền nếp nhất định. Những quy tắc này đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định chuẩn mực cho mỗi hành vi của các thành viên trong gia đình. Những nguyên tắc chung không chỉ giúp các thành viên trong gia đình điều chỉnh hành vi của mình, mà còn giúp mọi người biết cách tôn trọng, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta nên đặt ra quy tắc để các thành viên có điểm tham chiếu chung trong cách ứng xử. Gia đình tôi cũng có những quy tắc như: Hoàn thành công việc của mình, làm những việc đúng đắn, tin tưởng và lắng nghe lẫn nhau, gia đình được đặt lên trên hết, giữ thái độ hòa nhã và lịch sự khi giao tiếp...”.

Còn theo nhà giáo dục Shirley Erwee ở Nam Phi, các thành viên trong gia đình nên có một cuộc họp để quyết định những quy tắc đặt ra trong ngôi nhà mình. “Ngay cả khi con bạn chưa đi học, chúng vẫn có thể tham gia vào quá trình này. Điều này dạy cho trẻ thói quen tuân thủ kỷ luật và những nguyên tắc đã đặt ra”, Shirley Erwee khẳng định.

Thực tế cho thấy, chuẩn mực ứng xử trong gia đình chính là “viên gạch” đầu tiên đặt nền móng cho văn hóa ứng xử của cá nhân. Nếu ngay từ nhỏ, mỗi người được đào luyện một cách nghiêm túc thì khi lớn lên, họ sẽ đáp ứng được các nguyên tắc ứng xử của xã hội. Nói cách khác, ứng xử văn hóa trong xã hội chỉ có thể tồn tại, phát triển khi văn hóa ứng xử trong gia đình luôn được chú trọng, trở thành ý thức tự giác của mọi thành viên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nền tảng của văn hóa ứng xử trong xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.