Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều cơ hội cho học sinh chưa trúng tuyển lớp 10

Thống Nhất| 04/08/2020 17:11

(HNMO) - Từ nay đến hết ngày 5-8-2020, học sinh trúng tuyển lớp 10 trung học phổ thông (THPT) công lập năm học 2020-2021 trên địa bàn Hà Nội phải làm thủ tục xác nhận nhập học. Mặc dù chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 trường công lập chỉ chiếm 62% trong tổng số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), song, những học sinh chưa trúng tuyển không nên quá lo lắng, bởi vẫn còn nhiều cơ hội học tập.

Ảnh minh họa: Nguồn internet 

Học sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2020-2021 đã diễn ra trong hai ngày 17-7 và 18-7-2020 với sự tham gia của gần 89.000 học sinh. Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, mỗi học sinh được đăng ký hai nguyện vọng vào 2 trường THPT công lập, không kể nguyện vọng vào lớp 10 chuyên.

Đến thời điểm này, các học sinh đã biết điểm bài thi và điểm chuẩn vào lớp 10 của từng trường. Thời gian các nhà trường nhận hồ sơ của học sinh trúng tuyển từ ngày 12-8 đến 15-8-2020.

Tuy nhiên, trước khi nộp hồ sơ trúng tuyển, học sinh phải làm thủ tục xác nhận nhập học, hạn cuối đến hết ngày 5-8-2020. Đây là thủ tục bắt buộc đối với mọi thí sinh trúng tuyển và có nguyện vọng học. Học sinh truy cập vào hệ thống tuyển sinh trực tuyến http://tsdaucap.hanoi.gov.vn để làm thủ tục xác nhận nhập học. Sau khi hoàn thành quy trình xác nhận nhập học, học sinh cần in Giấy xác nhận nhập học để nộp kèm cùng hồ sơ khi làm thủ tục nhập học.

Những học sinh không xác nhận nhập học trong khoảng thời gian quy định sẽ bị coi như không có nguyện vọng nhập học vào trường và cũng sẽ không được tuyển sinh bổ sung nếu nhà trường thiếu chỉ tiêu.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết, ngoài hình thức xác nhận nhập học trực tuyến, cha mẹ học sinh có thể trực tiếp đến trường xác nhận nhập học. Nhằm tạo thuận lợi cho cha mẹ học sinh, trong trường hợp cha mẹ học sinh đã mang đầy đủ giấy tờ đến trường thì nhà trường có thể nhận và làm thủ tục nhập học cho học sinh luôn để cha mẹ các em không phải đến trường một lần nữa.

Nhiều lựa chọn vào lớp 10 cho học sinh

Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021 do UBND thành phố Hà Nội phê duyệt ngày 17-4-2020, tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập chiếm 62% trong tổng số học sinh tốt nghiệp THCS, tương ứng với gần 66.500 chỉ tiêu. Như vậy, trong kỳ thi vừa qua còn khoảng 22.500 học sinh chưa trúng tuyển vào trường THPT công lập.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Văn Đại, thông tin: "Thành phố Hà Nội có nhiều loại hình trường học bảo đảm đáp ứng mọi nhu cầu học tập của học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, trong đó có những học sinh chưa trúng tuyển vào lớp 10 của trường THPT công lập".

Cụ thể, Hà Nội có tới 38.000 chỉ tiêu cho các loại hình trường, trong đó có 21.500 chỉ tiêu vào học các trường ngoài công lập, 8.000 chỉ tiêu học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 8.500 chỉ tiêu theo học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Như vậy, cơ hội học tập cho các học sinh không đỗ trường công lập vẫn còn rất nhiều.

Trường THCS - THPT Hà Thành (quận Bắc Từ Liêm) là một trong nhiều trường ngoài công lập trên địa bàn thành phố sử dụng đồng thời hai phương thức là xét học bạ cấp THCS và điểm bài thi vào lớp 10 trường công lập để tuyển sinh năm học 2020-2021.

Thầy giáo Nguyễn Viết Cẩn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm nay, trường tuyển 250 học sinh vào 8 lớp. Ngoài ra, trường còn tuyển bổ sung học sinh các lớp 11 và 12 bằng việc tổ chức bài kiểm tra hai môn ngữ văn, toán. Học sinh có thể trực tiếp đến trường tìm hiểu thông tin hoặc liên lạc theo số điện thoại đường dây nóng được đăng tải trên website của trường để được hỗ trợ.

Học sinh cũng có thể học lớp 10 tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Là đơn vị có chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 nhiều nhất trên địa bàn thành phố với 585 chỉ tiêu, bà Nguyễn Thị Liên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Đan Phượng (huyện Đan Phượng), khẳng định, khá nhiều học sinh còn băn khoăn, lo lắng vì sợ tấm bằng tốt nghiệp chương trình giáo dục thường xuyên sẽ không được coi trọng như bằng tốt nghiệp chương trình THPT. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh hoàn thành chương trình lớp 12 và đủ điều kiện được cấp bằng tốt nghiệp tại các trường THPT công lập, ngoài công lập hay tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đều được cấp cùng một loại bằng tốt nghiệp và có giá trị như nhau.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, toàn thành phố có 105 trường ngoài công lập, 29 trung tâm giáo dục thường xuyên và 38 trường trung cấp chuyên nghiệp tuyển sinh lớp 10.

Đáng chú ý, các đơn vị này đều tuyển học sinh toàn thành phố, không bắt buộc tuyển theo khu vực tuyển sinh và không yêu cầu học sinh phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội như đối với các trường THPT công lập.

Thời gian các trường nhận hồ sơ của học sinh đến ngày 15-8-2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều cơ hội cho học sinh chưa trúng tuyển lớp 10

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.